Lạng Sơn là một nơi như thế

Ta hay mơ về những điều không có thực
Và …
hời hợt với những gì đang diễn ra 
Còn đi thì khác …
ta nhìn đời thực mà cứ nghĩ mình đang mơ 💬
———————————————————
Lạng Sơn là một nơi như thế, …

Nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Xứ lạng có cảnh nước non hữu tình được tạo nên bởi vẻ đẹp của núi và mây, của hang và động, của phố và chợ hòa quyện. Một vẻ đẹp như chỉ xuất hiện trong các câu thơ đã được tạo hóa ưu ái dành cho miền đất này …

Dấu tích thành nhà Mạc 

Nếu là người đam mê khám phá các di tích lịch sử, du khách đến Lạng Sơn nhất định phải ghé thăm thành nhà Mạc. Từng là căn cứ quân sự nhằm chống lại nhà Lê – Trịnh vào thế kỷ 16-17, hiện nay thành nhà Mạc chỉ còn lại khoảng 300 m tường thành kiên cố. Thành nhà Mạc thuộc phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, là di tích lịch sử kiến trúc quân sự phản ánh thời kỳ phong kiến Việt Nam suốt từ cuối thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 17. 

Chùa – động Tam Thanh 

Ngôi chùa nổi tiếng này đã đi vào ca dao Việt Nam: 
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh…” 
Ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Lê. Theo thời gian, chùa vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có hấp dẫn du khách bốn phương. Ngôi chùa là một trong “Trấn doanh bát cảnh” của xứ Lạng, được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. 

Núi Tô Thị

Nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Tam Thanh, Nhị Thanh. Truyền thuyết về nàng Tô Thị đã đi vào tâm khảm của dân tộc Việt Nam, thiên nhiên đã tạo ra một khối đá tự nhiên mang dáng hình người mẹ ôm con đứng chờ chồng trên đỉnh núi cao như một biểu tượng của lòng thuỷ chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam. 


Núi Mẫu Sơn

Nằm cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía đông, giáp với biên giới Việt – Trung. Vùng núi này là nơi cư trú của các dân tộc Dao, Nùng, Tày. Năm 1935, người Pháp đã quy hoạch và xây dựng tại đây nhiều nhà nghỉ. Ngày nay, tỉnh Lạng Sơn đang cho xây dựng những công trình phục vụ cho việc nghỉ dưỡng và đón khách du lịch. 

Đền Kỳ Cùng 

Ở ngay đầu cầu Kỳ Lừa – phường Vĩnh Trại – thành phố Lạng Sơn. Theo lời kể của người dân địa phương, đền có từ rất lâu, sau nhiều lần sửa chữa vẫn chỉ là một ngôi đền nhỏ làm bầng đất lợp ngói. Phía trước đền là bến đá Kỳ Cùng (Kỳ Cùng Thạch Lộ) từng được Ngô Thì Sĩ xếp hạng là một trong 8 cảnh đẹp của xứ Lạng từ thế kỷ 18. 

Cột cờ núi Phai Vệ 

Cao 80 mét, với đường lên là 535 bậc đá được xây dựng cực kì kiên cố. Đứng trên cột có thể phóng tầm mắt thưởng ngoạn toàn cảnh thành phố. Toàn thân đài cột cờ được kết cấu bằng bê tông, ốp đá, lan can được dựng giả giống những thân tre xanh. Một số người còn ví von đường đến cột cờ chẳng khác gì so với phiên bản Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ ở Việt Nam. Bên trong thân núi Phai Vệ là hai di chỉ hang đá có niên đại cách đây khoảng 10.000 năm và 4.700 ~ 5.000 năm. Kết hợp với ánh đèn huyền ảo và những khối thạch nhũ đầy màu sắc, hang đá Phai Vệ càng trở nên lung linh và huyền bí hơn trong mắt khách du lịch. Không chỉ thế, vì mang tính lịch sử lâu đời, hang đá còn giàu giá trị khảo cổ.

Thung lũng vàng Bắc Sơn 

Điều đặc biệt du khách có thể nhận thấy ở cánh đồng Bắc Sơn là các thửa ruộng nơi đây không hoàn toàn được gieo trồng cùng một thời điểm, tạo nên “tấm thổ cẩm” khổng lồ với nhiều màu đặc sắc, đan xen giữa ruộng lúa chín, lúa xanh, vừa mới cấy hay còn xâm xấp nước… mang lại cảm giác lâng lâng khác lạ cho những ai được tận mắt ngắm nhìn.

发表评论

邮箱地址不会被公开。 必填项已用*标注