Xem người Nùng xứ Lạng làm bún truyền thống dịp Rằm tháng Bảy

Đối với đồng bào các dân tộc Nùng tại Văn Quan (Lạng Sơn) ngày Rằm tháng Bảy là cơ hội, là dịp để họ được cùng nhau làm ra những sợi bún theo cách truyền thống, thủ công từ A đến Z, mang đặc trưng riêng khó có thể nhầm lẫn với bất kỳ một nơi nào.

Dân gian ta có câu “Đi lễ cả năm không bằng ngày Rằm tháng Bảy” cho thấy mức độ quan trọng của ngày lễ này trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Rằm tháng Bảy (15/7 Âm lịch) được coi là ngày rằm lớn nhất trong năm khi có hai ý nghĩa là ngày Lễ Vu Lan và ngày Tết Trung Nguyên (xá tội vong nhân). Lễ Vu Lan là lễ báo hiếu còn Tết Trung Nguyên là ngày xá tội vong nhân.

Mâm cơm ngày Rằm tháng Bảy của người Nùng xứ Lạng.

Rằm tháng Bảy của người Nùng ở Văn Quan – Lạng Sơn ngoài ý nghĩa thờ cúng tổ tiên, cúng các vong hồn còn là dịp để gia đình, dòng họ sum họp, con cái thể hiện lòng biết ơn, tình cảm và lòng hiếu thuận đối với cha mẹ. Đặc biệt, với những phong tục chỉ có của người Nùng đã tạo nên sự khác biệt thú vị cho ngày lễ tại nơi núi đá cao Xứ Lạng này. Người Nùng nơi đây vào Tết tháng Giêng thường ăn thịt gà, Tết tháng Bảy ăn thịt vịt. Món ăn này cùng với bánh gai, bún tươi, thịt lợn quay lá mác mật là những món ăn truyền thống không thể thiếu trong Rằm tháng Bảy.

Bột làm bún được giã bằng cối đá nên sợi bún dai dẻo, khi nấu không bị nát như bún làm bằng máy.

Đặc biệt trong ngày này, không mâm cơm nhà nào là thiếu món bún vịt. Với quan niệm mỗi năm làm bún có 1 lần vào dịp này nên dù có vất vả nhưng người Nùng nơi đây vẫn giữ phong tục làm bún tươi ăn Rằm tháng Bảy. Nói ăn Rằm tháng 7 nhưng người dân nơi đây vẫn có tục cúng tổ tiên ngày 14/7 âm lịch hằng năm. Việc ăn bún không liên quan đến niềm tin tín ngưỡng mà chỉ là sở thích. Bún được làm thủ công theo cách truyền thống từ công đoạn đầu đến cuối nên ăn rất ngon. Còn cúng thịt vịt là do mùa này nước sông lên to, gà không lội qua được nên phải cho vịt đi thay.

Bún được giã bằng cối đá nên sợi bún khi ép qua “máy” rất dài mà dẻo.

Bún thì ngoài chợ đâu đâu cũng có bán nhưng có một điều đặc biệt là những người dân tộc nơi đây tự làm theo cách truyền thống. Quy trình làm bún truyền thống lại vô cùng công phu, vất vả. Từ sáng sớm, họ hàng trong xóm tụ tập thành một nhóm gồm khoảng 3, 4 nhà để góp công làm bún chung với một khuôn ép bún được làm bằng gỗ tạo thành những sợi bún tươi ngon mà đảm bảo.

Trung bình 1 mẻ bún người làm phải giã cả giờ đồng hồ. Bột càng giã được mềm và dẻo thì sợi bún càng ngon.

Trước đây, người dân xay gạo bằng cối xay được làm bằng đá – hai phiến đá được tạc cẩn thận có hai mặt được tạc rãnh xếp chồng lên nhau, tay cầm được lắp vào hông của phiến đá bên trên. Còn vài năm trở lại đây, người dân đã có máy xát bột tiện lợi.

“Máy” làm bún thường là những “cỗ máy” có tuổi đời cao và được thường được làm bằng gỗ lim hoặc gỗ nghiến.

Bột gạo trắng sau xát nhuyễn sẽ được cán cho khô, bỏ ra tách vụn rồi từ từ kiên trì lăn thành những cục bột to đem nấu chín. Bột sau nấu chín được giã đều tay trong những chiếc cối bằng đá. Cối giã do các nghệ nhân tạc đá làm ra, thuộc loại cối to có chiều cao khoảng 80cm, miệng rộng 50cm, cối này được dùng để giã các loại bánh giầy, bánh gai… Còn chày để giã bánh được làm bằng gỗ nghiến có chiều dài khoảng 80cm được gắn tay cầm ở giữa, vuông góc với thân chày. Khi giã người làm cần đều tay, nhịp nhàng để bột được đều.

Thanh niên trai tráng được huy động để hỗ trợ công đoan ép bột thành sợi bún.

Bột sau khi giã dẻo sẽ được nặn thành một hình trụ cho khớp với khuôn ép bún. Lúc này mọi người cùng nhau góp củi đun một nồi to có chứa đầy nước để tiến hành ép bột thành sợ bún. Sau đó, đàn ông trai tráng giúp nhau dựng khuôn ép bún qua trên nồi nước đang sôi sùng sục rồi ép bột xuống khuôn cho ra những sợi bún mềm dẻo. Bún chín nổi trắng tinh trên mặt nước sẽ được vớt ra rửa sạch bằng nước lạnh. Cứ như vậy đến phần bún của ai thì người nấy vớt lên rồi đem phơi trong chiếc rổ rá thưa cho khô nước và ăn dần

Bún tươi làm theo cách truyền thống nên sợi bún tươi ngon, dai và đảm bảo an toàn. Những sợi bún trắng tinh, dẻo mềm được nấu với nước canh vịt là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm ngày Rằm tháng Bảy của người Nùng nơi đây.

Những sợ bún tươi được làm theo cách thủ công khi ăn có độ dai, dẻo và đảm bảo an toàn bởi nó được tạo nên bởi công sức và sự kiên trì của con người. Cũng chính vì vậy, dù vất vả nhưng vào ngày dịp Tết Rằm tháng Bảy hằng năm người Nùng nơi đây vẫn tự tay làm ra những sợi bún tươi ngon nhất này.

Nguồn: Danviet.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *